Các loại cà phê tuyệt hảo ở Việt Nam

13 lý do tại sao bạn thất bại trong kinh doanh nhà hàng (Phần 4)
April 2, 2016
Quản lý nhà hàng theo thời tiết
April 2, 2016
Hiển thị tất cả

Các loại cà phê tuyệt hảo ở Việt Nam

Cà phê được một người Pháp theo đạo Thiên Chúa mang vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 19. Ban đầu, cà phê được trồng trong nhà thờ, sau đó lan rộng ra các tỉnh miền Bắc nhưng sản lượng không lớn. Mãi sau này, người Pháp mới đưa cây cà phê đến vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên và phát triển thành những đồn điền cà phê rộng lớn. Ngày nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với đa dạng các loại cà phê.

Các loại cà phê ở Việt Nam

Đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam khá thích hợp với nhiều loại cà phê. Nhưng nổi lên 4 loại cà phê chính sau

Cà phê Arabica

Cà phê Arabica còn được biết đến là cà phê chè, chỉ trồng được ở độ cao từ 800 mét trở lên so với mực nước biển, nhưng thơm ngon nhất phải từ 1300 – 1500 mét. Ở nước ta gồm 2 giống chính là Catimor và Moka.

Cà phê Moka có mùi thơm ngào ngạt, vị nhẹ. Loại cà phê này nổi tiếng được trồng ở vùng Cầu Đất – Đà Lạt đã làm nên tên tuổi cafe Moka Việt Nam bởi chất lượng và hương vị độc đáo. Còn cà phê Catimor có mùi thơm nồng nàn hơn, vị hơi chua. Loại cà phê này không được trồng phổ biến vì không hợp khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất Tây Nguyên.

Các loại cà phê Arabica khi pha vào nước cho màu nâu nhạt, mùi vị theo một dải vị đắng đa dạng, từ đắng dịu lẫn trong hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ, đến vị đắng nồng nàn, khó quên. Arabica thích hợp với khẩu vị của các quý bà bởi vị chua rất lôi cuốn.

Cà phê Robusta

Cà phê Robusta còn được biết đến với tên gọi cà phê vối. Đây là loại cà phê phổ biến nhất ở Việt Nam, với sản lượng chiếm 90% hàng năm. Thích nghi tốt với vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, giống cà phê Robusta được trồng ở vị trí thấp hơn giống Arabica (600m so với mực nước biển).

Hạt cà phê Robusta có hình bán cầu tròn, có mùi thơm dịu, vị đắng gắt không chua, độ caffein cao, nước có màu nâu sánh, đậm đặc, phù hợp với khẩu vị người Việt Nam.

cac-loai-ca-phe-tuyet-hao-smartgoal1

Cà phê Cherry

Cà phê Cherry hay cà phê mít không được trồng phổ biến lắm nhưng lại có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và đạt năng suất cao. Cà phê Cherry có đặc điểm và hương vị mang đậm chất nắng gió của cao nguyên, mùi thơm thoang thoảng, vị chua đặc trưng tạo cảm giác sảng khoái. Hạt Cherry có màu vàng sáng bóng rất đẹp.

Cà phê Culi

Cà phê Culi là một loại cà phê đột biến của các giống cà phê Arabica, Robusta và Cherry. Thay vì mỗi trái cà phê đều có hai hạt, thì Culi chỉ chứa một hạt no tròn duy nhất, và đó là những gì tinh túy nhất tích tụ trong nhân cà phê duy nhất đó. Cà phê Culi có vị đắng gắt, hàm lượng caffein cao, hương thơm nồng nàn khó phai, và nước có màu đen sánh.

Các thức uống phổ biến về cà phê

Cà phê đã trở thành thức uống phổ biến trong menu của khắp các quán cà phê trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh từ cụ già đến những tầng lớp thanh niên trẻ tuổi ngồi nhâm nhi bên ly cà phê sáng ở bất cứ con phố nào và nghĩ suy công việc cho ngày mới.

Quen thuộc với chúng ta nhất chính là các loại cà phê đen, cà phê nâu được pha với sữa nồng đượm hay kết hợp cùng sự thanh thanh của đường. Hớp một ngụm cà phê đắng nơi đầu lưỡi, sau đó là vị chua chua, nhưng lại ngọt nơi cuống họng, cảm giác hưng phấn và tỉnh táo dâng trào.

Để pha chế được những tách cà phê thơm ngon, không thể không kể đến công sức của những người thợ rang cà phê. Được xem như một thứ nghệ thuật khó cưỡng, những tách cà phê rang xay được tạo ra từ bàn tay điêu luyện cùng kinh nghiệm lão làng và cái tình với cà phê mà không phải ai cũng cảm nhận được của những người thợ thực thụ.

Ở thời điểm trước kia thì Việt Nam chuộng cà phê nguyên chất hơn, nhưng ở hiện tại xu hướng thưởng thức cà phê đang dần thay đổi. Sự dịch chuyển này diễn ra khi nước ta tiếp xúc với những nền văn hóa mới, đặc biệt là văn hóa ẩm thực Pháp, Ý – những cái nôi sản sinh ra thứ thức uống kì diệu này.

cac-loai-ca-phe-tuyet-hao-smartgoal2

Những loại cà phê như cà phê espresso, latte, capuchino… được pha bằng máy, bằng cách dùng nước nóng nén dưới áp suất cao, qua bột cà phê được xay mịn. Pha chế bằng phương pháp này sẽ rất nhanh tiết kiệm thời gian, hàm lượng cafein sẽ bị giảm, nhưng sẽ có mùi thơm rõ ràng hơn, nồng hơn, tươi hơn cà phê phin và trên mặt có một lớp bọt màu nâu (crema) góp phần quan trọng trong việc tạo hương thơm cho cà phê.

Cà phê sạch, cà phê bẩn

Khái niệm cà phê sạch, cà phê bẩn mới được nhắc đến và tranh luận gay gắt trong thời gian gần đây, khi mà thứ nước đen xì, đặc sánh, pha trộn đủ thứ bột ngô, bột năng, chất tạo bọt và hương liệu được gọi là cà phê và đánh lừa vị giác của khách hàng.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta pha trộn thêm tạp chất vào cà phê để tạo ra ly “cà phê giả” này. Trước đây, việc trồng cà phê còn nhỏ hẹp, năng suất chưa cao, giá thành lại đắt nên để cho ra một ly cà phê sạch, chủ quán buộc phải đội giá trên trời. Như vậy, khó có ai “dám” thưởng thức một ly cà phê đắt đỏ như vậy.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, họ đã nghĩ ra cách dùng lại bã cà phê đã pha, trộn với hạt ngô rang cháy với kỹ thuật hãm nổ, kết hợp với nước hạt cau để lấy chất tannin có vị đắng chát giống cà phê.

cac-loai-ca-phe-tuyet-hao-smartgoal3

Hiện đại hơn, con người còn pha tạp thêm các loại bột khác, bơ, chất hóa học tạo bọt, và vài giọt dầu hương liệu Trung Quốc là đã có một ly cà phê đậm đặc, sóng sánh, uống vào mất ngủ cả đêm. Và cứ như thế, khẩu vị của chúng ta cũng trở nên quen và chấp nhận uống thứ nước được gọi là cà phê đó.

Dường như, thói quen uống cà phê đó đã ăn sâu vào suy nghĩ từng người mà không biết rằng sức khỏe mình đang ngấp nghé vực nguy hiểm. Họ bài trừ cà phê sạch vì nó loãng, nó không được đen sánh, không có mùi hương liệu và không tạo được vị đắng chát như mong muốn.

Vớt vát lại, những người sành cà phê, những người biết thưởng thức và những nhà kinh doanh cà phê có tâm, vẫn mong muốn mang đến cho cộng đồng một nét văn hóa cà phê sạch. Không chỉ để loại bỏ thứ nước cà phê đen xì, độc hại mà còn để quảng bá cho thứ cà phê tuyệt hảo của Việt Nam.